Quét mã QR tải app đặt thợ điện
 

 

 

 

 

Các thông số kỹ thuật cơ bản khi chọn đèn LED

Đèn LED đang ngày được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của cuộc sống hàng ngày rất nhiều kiểu, mẫu mã cũng như ứng dụng mà chúng ta gặp phải.

Khi lựa chọn mua đèn LED đối với người dùng thông thường chúng ta thường rất bối rối về việc tại sao đèn LED có cùng công suất tiêu thụ (đo bằng W) như nhau nhưng giá thành lại khác biệt rất nhiều.

Hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu về các thông số kỹ thuật cơ bản mà các loại đèn led thông dụng trên thị trường hiện đang sử dụng nhé.

Quang thông hay công suất chiếu sáng

Đây là đơn vị để đo cường độ ánh sáng cho biết công suất bức xạ ánh sáng được phát ra từ nguồn sáng (ở đây là chip led) trong khoảng thời gian là 1 giây. Quang thông có ký hiệu là φ và có đơn vị là lumen (lm). Đơn vị này nói lên khả năng chiếu sáng của đèn LED.

Thông số này rất quan trọng khi chúng ta lựa chọn đèn LED, nó giống như thông số về công suất đèn với các công nghệ cũ như huỳnh quang và sợi đốt. Ví dụ khi chúng ta dùng đèn sợi đốt, công suất đèn càng lớn thì đèn càng sáng thì quang thông trong đèn LED cũng như vậy. Yếu tố công suất trong đèn LED trở thành thông số thứ yếu hơn.

Hiệu năng của đèn LED rất cao, nó phá vỡ mối quan hệ giữa công suất và độ sáng, do đó lựa chọn đèn LED hiện nay rất cần quan tâm đến thông số về quang thông hơn là công suất.

Độ rọi hay độ tập trung ánh sáng

Độ rọi được sử dụng để đánh giá cường độ ánh sáng có thể cảm nhận được trên một đơn vị diện tích, độ rọi có đơn vị đo là Lux. Đơn vị này thường được sử dụng cho các đèn LED rọi chiếu điểm trong các siêu thị.

Một đèn LED có quang thông lớn nhưng nếu diện tích chiếu sáng lớn thì độ rọi sẽ nhỏ. Do vậy những nơi như shop thời trang, xưởng công nghiệp cần những sản phẩm đèn LED có độ rọi lớn.

Công thức tính độ rọi: 1 lx = 1 lm/m2

Một số độ rọi thông dụng:

  • Ánh sáng mặt trời trong ngày có độ rọi trung bình dao động trong khoảng 32.000 lx tới 100.000 lx. Thời điểm hoàng hôn hay bình minh, ánh sáng ngoài trời cũng có độ rọi khoảng 400 lx (nếu trời trong xanh).
  • Ánh sáng phản chiếu từ mặt trăng có độ rọi khoảng 1 lx.
  • Ánh sáng từ các ngôi sao có độ rọi khoảng 0,00005 lx.
  • Các trường quay ở đài truyền hình được chiếu sáng với độ rọi khoảng 1.000 lx.
  • Một văn phòng làm việc thường có độ rọi khoảng 400 lx.

Đèn LED có độ rọi lớn, có nghĩa là chúng cần phải được thiết kế thêm 1 chóa đèn dùng để phản xạ và điều hướng luồng ánh sáng tập trung lại theo hướng cần rọi, chính vì vậy chúng sẽ đắt hơn các đèn không có thông số rọi hoặc thông số nhỏ hơn (do lượng vật liệu cần sử dụng trong sản xuất chóa đèn).

Độ chói sáng

Độ chói là cường độ của một nguồn sáng phát ánh sáng khuếch tán mở rộng hoặc của một vật phản xạ ánh sáng. Là đại lượng đặc trưng cho mật độ phân bố cường độ sáng I trên một bề mặt diện tích S theo một phương cho trước. Độ chói có đơn vị là nit, công thức tính như sau:

1nit = 1cd/ 1m2 (cd/m2)

Độ chói giúp chúng ta ước lượng được lượng ánh sáng mà mình có thể cảm nhận, ngoài ra khả năng hiển thị của các đồ vật, các bề mặt vật thể trong tầm nhìn của chúng ta phụ thuộc vào độ chói của chúng. Trong thực tế, chính độ chói chứ không phải độ rọi mới là thứ chúng ta cảm nhận được khách quan và rõ ràng hơn cả.

Do đó khi lựa chọn đèn LED cho gia đình chúng ta cần lựa chọn đèn có độ chói vừa phải với các loại đèn LED có mặt kính mờ, với các cửa hàng trưng bày sản phẩm cần đèn LED có độ chói cao sử dụng kính trong suốt giúp các sản phẩm có thể được nhìn rõ nét.

Độ chói cần lựa chọn phù hợp để đảm bảo thị lực của người dùng, các tật khúc xạ của mắt cũng do nguyên nhân này.

Nhiệt độ mầu ánh sáng (độ K)

Màu sắc của ánh sáng mà nguồn sáng phát ra phụ thuộc vào nhiệt độ, thông thường sử dụng đơn vị Kelvin (độ K). Với từng nhiệt độ K khác nhau nguồn ánh sáng sẽ cho màu sắc khác nhau. Trong thực tế, một chất bắt đầu phát ra ánh sáng đỏ ở 1000°K, trở nên trắng ở 5000°K và chuyển sang xanh ở nhiệt độ cao hơn.

Cùng xem các màu sắc của đèn LED phụ thuộc vào nhiệt độ K của nguồn sáng:

Phổ nhiệt độ mầu theo thang đo Kelvin
Phổ nhiệt độ mầu theo thang đo Kelvin

Trên thị trường điện gia dụng hiện tại phổ thông nhất các nhà sản xuất thường bán 3 loại màu sắc đèn LED:

  • Màu vàng ấm (Warm Light): đèn sẽ có thông số nhiệt độ màu 2700K – 3500K.
  • Màu trung tính hay ánh sáng tự nhiên (Nature Light): 4000K – 4500K.
  • Màu trắng sáng (Cool Light): 5500K – 7000K.

Trong thiết kế, thường xen kẽ giữa các loại đèn LED có màu khác nhau, giúp tạo ra các hiệu ứng màu ấn tượng hơn.

Chỉ số hoàn mầu (CRI)

CRI viết tắt Color Rendering Index là chỉ số phản ánh độ trung thực của màu sắc vật được chiếu sáng khi trở lại mắt chúng ta, giá trị CRI càng cao chất lượng càng tốt. CRI cao nhất là 100 và chấp nhận được cho các chiếu sáng nội thất khi ở giá trị 70-80. Một số nhóm chỉ số CRI thông dụng:

  • CRI = 100: Ánh sáng bán ngày là ánh sáng có độ trung thực nhất
  • CRI = 0: Ánh sáng đơn sắc như: xanh, đỏ, tím, vàng… là ánh sáng có độ trung thực thấp nhất
  • CRI <50: Màu sắc của vật bị biến đổi hoàn toàn (khi chiếu sáng vật thể sẽ bị nhợt nhạt, không giống thực tế)
  • CRI từ 50-70: Ánh sáng hơi bị biến đổi, có thể dùng trong các ngành sản xuất công nghiệp không cần màu chính xác
  • CRI từ 70-85: Ánh sáng thông dụng, gần như trung thực.
  • CRI từ 85-95: Sử dụng cho các khu vực cần phần biệt màu sắc chuẩn như xưởng in màu, xưởng pha chế sơn…
Mầu sắc sẽ nhợt dần khi chỉ số CRI thấp đi
Mầu sắc sẽ nhợt dần khi chỉ số CRI thấp đi

Hiệu suất ánh sáng

Hiệu suất ánh sáng (Luminous Efficacy) là hiệu quả phát sáng của đèn biểu thị khả năng chuyển điện thành ánh sáng, đơn vị đo là lm/W. Hay nói cách khách là số lumen được tạo ra từ 1W. Đèn LED có thể đạt đến hiệu suất cao nhất 250 lm/W, từ hiệu suất ánh sáng chúng ta hoàn toàn có thể tính ngược lại ra quang thông của đèn.

Ví dụ chúng ta có 1 bóng đèn có hiệu suất ánh sáng là 90 lm/W, khi đó với mỗi W đèn phát ra 90 lumen ánh sáng, nếu bóng đèn LED có công suất là 20W sẽ tạo ra 20 x 90= 1800 lumen.

Các bạn lưu ý rằng, đối với các đèn giá rẻ trên thị trường, thông số này thường không được công bố một cách rõ ràng. Nó phụ thuộc vào chất lượng diode phát sáng và mạch in mà nó sử dụng. Nó quyết định lớn đến hiệu suất chuyển đổi ánh sáng của đèn led và giá thành của chúng cũng khác nhau.

Góc chiếu sáng

Góc chiếu sáng là góc nằm giữa 2 mặt có cường độ sáng tối thiểu bằng 50% cường độ sáng mạnh nhất ở vùng sáng trung tâm. Phương pháp nhận diện góc chiếu đơn giản nhất bằng việc dùng bộ đèn chiếu sáng lên tường, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy các vùng sáng lớn, nhỏ và mạnh, yếu khác nhau. Các nguồn sáng tuy giống nhau nhưng góc chiếu khác nhau sẽ cho ra ảnh của vùng sáng khác nhau. Góc chiếu sáng càng lớn (càng tỏa), cường độ sáng vùng trung tâm càng nhỏ và vùng sáng càng rộng.

Có 3 loại góc chiếu cơ bản, mỗi một loại góc chiếu khác nhau lại cho một hiệu ứng chiếu sáng riêng biệt, phù hợp với từng mục đích sử dụng khác nhau.

  • Góc chiếu hẹp: 3, 5, 8: Các loại đèn có góc chiếu hẹp như trên thường được thiết kế chuyên dụng cho chiếu sáng cột, tạo điểm nhấn cho ngọa thất căn nhà hoặc các công trình về đêm.
  • Góc chiếu trung bình: 10, 24, 38: Các góc chiếu này là các góc chiếu thông dụng đối với các loại đèn rọi (spot-light) khi chúng ta xây dựng các ý tưởng chiếu điểm, gây ấn ượng hoặc tạo ánh sáng gián tiếp. Các loại đèn có góc chiếu này phù hợp với lắp đặt trong phòng ngủ – nơi cần tạo không gian riêng tư và thư giãn bởi chúng không gây chói lóa, khó chịu khi nằm.
  • Góc chiếu rộng: > 100: Góc chiếu này tạo ánh sáng tỏa đều với vùng sáng rộng, vì vậy các loại đèn này phù hợp khi lắp đặt tại các không gian sinh hoạt chung như phòng khách, phòng bếp. Và những đèn LED công suất cao như đèn đường LED, đèn pha LED, đèn LED nhà xưởng… đều yêu cầu góc chiếu sáng rộng để chiếu sáng cho một vùng không gian rộng lớn.

Chỉ số chống bụi và chống va đập IP

IP (Ingress Protection) là chỉ số bảo vệ xâm nhập chống lại các tác động của môi trường như va đập hoặc bụi, nước thấm qua. IP bao gồm 2 chữ số và các con số này càng cao thể hiện mức bảo vệ cao.

Giá trịSố thứ nhất (bảo vệ chất rắn)Số thứ hai (bảo vệ chất lỏng)
0Không bảo vệKhông bảo vệ
1Ngăn chặn sự xâm nhập của các vật thể rắn lớn hơn 50mm. Bảo vệ từ đối tượng (chẳng hạn như bàn tay) chạm vào các bộ phận đèn do ngẫu nhiên. Ngăn chặn các vật có kích thước (có đường kính) lớn hơn 50mmNgăn chặn sự xâm nhập của nước nhỏ giọt. Nước giọt thẳng đứng (như mưa, không kèm theo gió) không ảnh hưởng đến hoạt động của thiết bị.
2Ngăn chặn cuộc xâm nhập của các đối tượng có kích thước trung bình lớn hơn 12mm. Ngăn chặn sự xâm nhập của ngón tay và các đối tượng khác với kích thước trung bình (đường kính lớn hơn 12mm, chiều dài lớn hơn 80mm).Chỉ ngăn chặn được sự xâm nhập của nước ở góc nghiêng 15 độ. Hoặc khi thiết bị được nghiêng 15 độ, nước nhỏ giọt thẳng đứng sẽ không gây ra tác hại nào.
3Ngăn chặn xâm nhập của các đối tượng rắn lớn hơn 2.5mm. Ngăn chặn các đối tượng (như công cụ, các loại dây hoặc tương tự) có đường kính hoặc độ dày lớn hơn 2,5 mm để chạm vào các bộ phận bên trong của đèn.Cho biết có thể ngăn chặn sự xâm nhập của tia nước nhỏ, nhẹ. Thiết bị có thể chịu được các tia nước, vòi nước sinh hoạt ở góc nhỏ hơn 60 độ (Cụ thể như mưa kèm theo gió mạnh)
4Cho biết để ngăn chặn sự xâm nhập của các vật rắn lớn hơn 1.0mm. Ngăn chặn các đối tượng (công cụ, dây hoặc tương tự) với đường kính hoặc độ dày lớn hơn 1.0mm chạm vào bên trong của đèn.Cho biết để ngăn chặn sự xâm nhập của nước từ vòi phun ở tất cả các hướng.
5Chỉ ra bảo vệ bụi. Ngăn chặn sự xâm nhập hoàn toàn của vật rắn, nó không thể ngăn chặn sự xâm nhập bụi hoàn toàn, nhưng bụi xâm nhập không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của thiết bị.Cho biết để ngăn chặn sự xâm nhập của nước vòi phun áp lực lớn ở tất cả các hướng.
6Chỉ ra bảo vệ bụi hoàn toàn. Ngăn chặn sự xâm nhập của các đối tượng và bụi hoàn toàn.Cho biết có thể chống sự xâm nhập của những con sóng lớn. Thiết bị có thể lắp trên boong tàu, và có thể chịu được những con sóng lớn.
7Cho biết có thể ngâm thiết bị trong nước trong 1 thời gian ngắn ở áp lực nước nhỏ.
8Cho biết thiết bị có thể hoạt động bình thường khi ngâm lâu trong nước ở 1 áp suất nước nhất định nào đó, và đảm bảo rằng không có hại do nước gây ra.

Ngoài các chỉ số kể trên còn có IP69K là một qui định thiết bị được bảo vệ chịu nhiệt cao và áp lực nước theo qui định của tiêu chuẩn DIN40050 của Đức. Một số thiết bị khác có ký hiệu cấp bảo vệ chống xâm nhập như IPX0, IPX1, IPX2, IPX3, IPX4, IPX5, IPX6, IPX7, IPX8. “X” ở đây được xem như là thông số lấp đầy hay có nghĩa rằng thiết bị đó được nhà sản xuất bỏ qua các tiêu chí về sự tham gia bảo vệ bụi mà chỉ xem xét đến khả năng chống nước của nó.

Độ ẩm là một trong những lý do làm cho các bộ phận kim loại và thiết bị điện tử nhanh hỏng hóc. Các thiết bị có thể dễ dàng bị ăn mòn, vì vậy tốt hơn là để bảo vệ hệ thống đèn LED cần cẩn thận chống lại độ ẩm. Điều này lại càng đặc biệt đúng với các đèn LED ngoài trời hoạt động trong môi trường như khí hậu khắc nghiệt ven biển, các nhà máy sản xuất hóa chất cũng như các bể bơi trong nhà… Khi nói về tiêu chuẩn cấp bảo vệ IP của đèn LED tất nhiên chúng ta cần cả 2 yếu tố – khả năng đẩy lùi nước và không cho phép bụi vào bên trong. Bảo vệ khỏi sự xâm nhập của nước là rất quan trọng đối với tất cả các ứng dụng ngoài trời, hoặc đồ đạc trong nhà cần được rửa sạch hoặc được cài đặt trong môi trường cực ẩm. Giữ các thiết bị điện tử của đèn khô là rất quan trọng. Nếu không có chứng nhận IP mạnh để bảo vệ nó, đèn sẽ dễ bị hỏng. Đối với các loại đèn LED sân vườn như đèn LED âm đất, đèn LED cắm cỏ, đèn pha LED, đèn đường LED vì hoạt động trong môi trường bụi bẩn cao, chính vì thế các loại đèn này phải có chỉ số chống bụi ở cấp 6, tức là bảo vệ bụi hoàn toàn, ngăn chặn hoàn toàn sự xâm nhập của các đối tượng và bụi bẩn. Chỉ số chống nước thường là ở cấp 5 hoặc cấp 6. Còn đối với đèn LED âm nước, vì đèn được hoạt động dưới nước ở các hồ bơi, các đài phun nước,… nên tất nhiên chỉ số chống nước phải ở mức cao nhất là cấp 8, chỉ số chống bụi có thể ở cấp 5 hoặc cấp 6.

Tuổi thọ của đèn LED

Trong điều kiện môi trường chân không lý tưởng thì chất bán dẫn sử dụng trong đèn led rất bền với các dòng tiêu thụ nhỏ. Tuổi thọ của đèn LED có thể lên đến 40,000 – 50,000 giờ khi đèn LED ở trong môi trường lý tưởng (với nền nhiệt độ ở mức 25 độ C). Thực tế cho thấy môi trường nhiệt dộ cao thì tuổi thọ sẽ giảm đi nhanh chóng, điển hình là việc đèn led bị suy hao độ sáng cũng như hiệu suất sử dụng. Thường tuổi thọ của đèn LED dựa vào lượng ánh sáng còn lại mà chip led có thể phát ra, có thể là tuổi thọ khi đèn led còn 70% lumens hoặc khi còn 50% lumens. Một chip led điển hình sẽ có tuổi thọ tối đa 50,000 giờ làm việc khi ánh sáng còn lại của nó là 50% lumens và nếu chọn mốc 70% lumens thì chip led có tuổi thọ khoảng 30,000 giờ chiếu sáng.

Dạng hư hỏng thường gặp nhất ở đèn led là bị hỏng Driver. Phần lớn các mắt led rất bền và driver là bộ phận quyết định sự sống của mỗi bóng đèn led. Công nghệ led được đầu tư và phát triển đã làm cho các bóng đèn led ngày nay thích nghi được với không gian nhiệt độ cao, dải điện trở cao hơn trước rất nhiều.

Kết luận

Đọc đến đây hẳn các bạn đã biết rằng, đèn LED bây giờ không chỉ là một dạng bóng đèn đơn thuần mà chúng ta chỉ cần quan tâm đến công suất nữa, nó không phải công suất càng lớn thì càng sáng.

Nó được thiết kế để sử dụng cho nhiều mục đích chiếu sáng và công năng khác nhau phù hợp với cuộc sống và hoạt động hàng ngày của chúng ta vì vậy để lựa chọn được chính xác loại đèn như mong muốn, chúng ta cần nghiên cứu kỹ để có thể lựa chọn đúng chủng loại mình cần.

Khi lắp đặt mới đèn LED hoặc thay thế sang hệ thống chiếu sáng LED, các bạn cũng cần được tư vấn từ các kỹ thuật viên, nghiên cứu kỹ hiện trạng sử dụng để lựa chọn LED phù hợp nhằm đảm bảo tuổi thọ, sự phù hợp cũng như độ bền của đèn LED.

Hiện tại Rada đã và đang kết hợp với Rạng Đông để nâng cao chất lượng tư vấn và kỹ thuật cho đội ngũ thợ hiện có để có thể giúp bạn đánh giá và lựa chọn chính xác chủng loại đèn phù hợp với gia đình mình.

Chúc các bạn có thể lựa chọn được loại đèn ưng ý!

Đặt thợ điện

Đặt thợ điện như thế nào?

Đặt trực tiếp từ mẫu tìm thợ điện tại trang web này

•  Bước 1: Chọn nhóm dịch vụ mà bạn quan tâm
•  Bước 2: Chọn loại dịch vụ bạn cần đặt (lưu ý, nếu hệ thống đã tự động chọn đúng dịch vụ bạn cần chuyển đến bước 3)
•  Bước 3: Nhập vào số điện thoại để thợ điện có thể liên hệ với bạn.
•  Bước 4: Nhập vào khu vực mà bạn cần gọi thợ điện, lưu ý bạn có thể lựa chọn địa chỉ tương đối mà hệ thống gợi ý ở gần điểm mà bạn muốn được cung cấp dịch vụ nhất. Trường hợp địa chỉ của bạn đã có trong danh sách gợi ý này thì rất tốt, bạn có thể chọn nó, tuy nhiên có nhiều địa chỉ quá chi tiết mà hệ thống không thể xác định được trên bản đồ như ngõ/ngách/hẻm hoặc tầng trong các khu nhà cao tầng. Với các địa chỉ chi tiết, bạn có thể ghi chú ở bước thứ 5 hoặc cung cấp cho thợ điện biết khi họ gọi điện cho bạn.
•  Bước 5: Nhập vào Ghi chú, vấn đề bạn gặp phải hoặc địa chỉ chi tiết...
•  Bước 6: Bấm nút Gửi yêu cầu tìm thợ điện gần bạn...

Tải ứng dụng Rada để đặt thợ điện

•  Bước 1: Bấm nút tải ứng dụng Rada theo điện thoại tương ứng mà bạn đang sử dụng dưới mẫu đặt dịch vụ; Trường hợp bạn truy cập bằng máy tính, hãy mở điện thoại để quét mã QR ở góc phải bên dưới màn hình để chuyển đến kho cài ứng dụng
•  Bước 2: Khi chuyển đến kho ứng dụng, bạn bấm nút cài đặt để cài ứng dụng Rada vào máy điện thoại của mình. Tiến hành đăng ký để tạo tài khoản bằng cách nhập vào số điện thoại, chờ hệ thống gửi mã xác thực để hoàn thành đăng ký tài khoản
•  Bước 3: Chọn nhóm dịch vụ mà bạn quan tâm, tiếp tục sau đó chọn dịch vụ mà mình cần rồi đọc kỹ thông tin giới thiệu về dịch vụ; xem kỹ bảng giá mà chúng tôi cung cấp sau đó bấm nút đặt dịch vụ phía dưới màn hình
•  Bước 4: Nhập vào địa chỉ, hệ thống sẽ lấy số điện thoại mà bạn đã đăng ký làm số liên hệ, tiếp tục điền vào nội dung Ghi chú, vấn đề bạn gặp phải hoặc địa chỉ chi tiết... bạn cần yêu cầu thợ điện, tiếp tục chọn thời gian bạn muốn cung cấp dịch vụ
•  Bước 5: Khi hoàn thành, tiếp tục bấm nút gửi yêu cầu để bắt đầu tìm thợ điện

Lợi ích khi đặt thợ điện từ hệ thống Rada

•  Mạng lưới thợ điện liên kết với Rada có mặt rộng khắp trong cả nước vì vậy bạn có thể đặt ở bất cứ nơi nào thợ điện cũng có thể đáp ứng
•  Ngay sau khi kết nối thành công, thợ điện sẽ gọi điện cho bạn trong vòng 1 phút để xác nhận dịch vụ và trao đổi chi tiết
•  Ứng dụng Rada kiểm soát tất cả các ca cung cấp dịch vụ được thợ điện cung cấp, vì vậy bạn có thể khiếu nại, đánh giá bất cứ khi nào bạn không thấy hài lòng
•  Rada chỉ cung cấp dịch vụ thông qua ứng dụng và trang web vì vậy mọi thông tin sẽ được lưu trữ lại để đảm bảo có thể tra cứu và xử lý bất cứ khi nào bạn muốn
•  Giá cả dịch vụ được công bố sẵn trên web và ứng dụng Rada để bạn tham khảo và trao đổi với thợ điện
•  Rada là ứng dụng kết nối dịch vụ đạt giải Nhân tài đất Việt 2017 với hơn 7 năm hoạt động, đến nay đã có 10,333 nhà cung cấp dịch vụ, 137,880 người sử dụng và 228,191 yêu cầu đã thực hiện thành công sẽ mang lại trải nghiệm tốt nhất khi bạn đặt thợ điện từ mạng lưới dịch vụ của mình.


Chat với RadaGPT
Hỏi đáp với Rada GPT ×