Những bất cập hiện nay
Đối với các công trình nhà cao tầng, việc thoát nạn theo phương đứng là không thể tránh khói và theo quy định thì quá trình thoát nạn đó phải thực hiện theo các cầu thang và buồng thang bộ đảm bảo được các yêu cầu về an toàn mà trước hết đó là yêu cầu về chống nhiễm khói. Tuy nhiên, trong thực tế không phải lúc nào, công trình nào cũng đảm bảo được các điều kiện an toàn cho thoát nạn qua cầu thang và buồng thang bộ.
Điều này được minh chứng qua một số vụ cháy nhà cao tầng xảy ra trong thời gian qua, mà điển hình và cũng là mới đây nhất phải kể đến vụ cháy tại tầng hầm tòa nhà CT4A chung cư Xa La, Hà Đông, Hà Nội vào ngày 11/10/2015.
Liên quan đến vấn đề an toàn cháy cho nhà và công trình, dường như tất cả các hệ thống tiêu chuẩn đều có một điểm chung, đó là dành sự ưu tiên hàng đầu cho các quy định về thoát nạn và đảm bảo tính mạng của người sử dụng. Các quy định về lựa chọn và sử dụng loại buồng thang bộ trên đường thoát nạn có trong quy chuẩn kỹ thuật đối với từng loại nhà cụ thể.
Tuy nhiên trong thực tế áp dụng, đặc biệt là trong các công trình nhà cao tầng việc bố trí được đầy đủ về số lượng cầu thang bộ và buồng thang bộ không nhiễm khói theo đúng qui định còn gặp nhiều khó khăn với lí do như: đặc điểm về kiến trúc, mặt bằng công trình hoặc điều kiện an toàn khi sử dụng…
Trên thực tế kiểm tra rất nhiều công trình nhà cao tầng ở Việt Nam cho thấy, về thiết kế, nhìn chung các hồ sơ thiết kế về phòng cháy chữa cháy (PCCC) được xem xét chủ yếu tập trung vào bố trí các hệ thống phát hiện cháy và báo cháy, hệ thống cấp nước chữa cháy, hệ thống phương tiện chữa cháy tại chỗ hoặc các đèn chỉ dẫn lối ra thoát nạn (đèn EXIT). Các vấn đề về phân khoang cháy nói chung và khoang cháy bảo vệ các cầu thang và buồng thang bộ cũng như đường thoát nạn đều chưa được đề cập một cách cụ thể, chi tiết.
Bên cạnh đó, việc bố trí chung buồng thang bộ dẫn từ tầng hầm lên các tầng trên nhìn chung vẫn phổ biến và trong nhiều trường hợp, buồng thang bộ từ tầng hầm lên chưa được ngăn cách với buồng thang ở phần nhà trên đó đúng theo quy định. Có trường hợp việc ngăn cách này được thực hiện bằng một bộ phận song sắt, có ý nghĩa bảo vệ an ninh hơn là bảo vệ sinh mạng trước các tác động của khói.
Ngoài ra, với các buồng thang bộ thoát nạn không nhiễm khói loại N2 không đảm bảo theo quy định. Việc bố trí cửa đổ rác ở trong buồng thang bộ thoát nạn dẫn đến mất an toàn của bộ phận buồng thang.
Một số công trình nhà cao tầng hiện nay các khu cầu thang bộ thường được bố trí tập trung ở giữa mặt bằng. Xét về mặt đảm bảo an toàn cháy, cách bố trí này có thể dẫn đến việc không thỏa mãn các yêu cầu về độ phân tán của đường thoát nạn.
Về quản lý chất lượng thi công và khai thác sử dụng, có những trường hợp cửa không mở được hoàn toàn hoặc mở ra nhưng lại bị kẹt không tự đóng lại được mặc dù có bộ phận tự đóng. Ở một số công trình đang khai thác sử dụng do thói quen và ý thức của người dân, để đảm bảo thông gió cho hành lang liên quan, các cửa này lại luôn ở trạng thái mở, thậm chí là được chèn giữ không cho đóng lại.
Nhiều vị trí lỗ xuyên tường, sàn buồng thang bộ chưa được chèn bịt đúng kỹ thuật, thậm chí còn có những khe, lỗ thông và chắc chắn là không thể đảm bảo được yêu cầu về chặn lửa, khói. Vấn đề kiểm tra vận hành thử và đo đạc các thông số kỹ thuật là hết sức cần thiết nhưng ở nhiều công trình chưa cho thấy điều này được triển khai một cách bài bản.
Cần đặc biệt quan tâm đến cầu thang bộ thoát nạn
Bởi những bất cập trong thực tế mà các vấn đề kỹ thuật liên quan đến cầu thang và buồng thang bộ thoát nạn phải được quan tâm chú trọng ngay từ giai đoạn đầu của công tác thiết kế khi bố trí mặt bằng tổng thể của công trình.
Đòi hỏi trong thành phần của hồ sơ thiết kế mỗi công trình phải có các bản vẽ về đảm bảo an toàn cháy trong đó bên cạnh những nội dung liên quan hệ thống thiết bị báo cháy, chữa cháy. Bên cạnh đó, cần có các đơn vị tư vấn chuyên môn và chuyên sâu về lĩnh vực này tham gia cùng các cơ quan quản lý nhà nước để xem xét đánh giá các thiết kế liên quan trước khi phê duyệt và cho phép thi công.
Để tăng cường công tác quản lý chất lượng thi công đối với các hạng mục cầu thang và buồng thang bộ thoát nạn, đặc biệt là đối với các loại buồng thang có điều áp (N2 và N3), cần đưa ra các quy định cụ thể và rõ ràng hơn đối với việc thử nghiệm và đánh giá tính năng của các buồng thang bộ nói riêng và các khu vực công trình dùng cho thoát nạn nói chung, được bảo vệ chống nhiễm khói bằng các giải pháp kỹ thuật, trong đó có giải pháp tạo áp suất không khí dương, trước khi chính thức đưa vào sử dụng và cả trong quá trình khai thác sử dụng sau đó.
Đối với những công trình cao tầng đã xây dựng xong và đang chuẩn bị đưa vào khai thác sử dụng, đặc biệt là đối với những chung cư, có thể đang có những tồn tại về mặt đảm bảo an toàn cháy nói chung và an toàn cháy đối với cầu thang và buồng thang bộ nói riêng. Để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra cần có kế hoạch khảo sát tổng thể hiện trạng để phát hiện những vấn đề chưa phù hợp ở mỗi công trình, tìm hiểu rõ nguyên nhân và các điều kiện cụ thể của từng công trình để có hướng giải quyết.
Đối với các công trình đang khai thác sử dụng, bên cạnh việc phổ biến kiến thức, tuyên truyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của các hạng mục cầu thang và buồng thang bộ thoát nạn, cần xem xét bổ sung quy định cụ thể về quản lý sử dụng và bảo trì các hệ thống, bộ phận liên quan đến cầu thang và buồng thang thoát nạn, từ vấn đề đảm bảo duy trì các kích thước phục vụ giao thông đến công tác vận hành, kiểm tra định kỳ tình trạng của các bộ phận kỹ thuật như hệ thống thông gió cơ khí, các cửa ngăn lửa, ngăn khói lắp đặt trong các cấu kiện bao bọc buồng thang…
ThS. Hoàng Anh Giang